Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Trung Ðông – châu Phi

LTS – Hội nghị “Gặp mặt Ðại sứ các nước Trung Ðông – châu Phi năm 2019”, diễn ra trong hai ngày 9 và 10-9, là dịp để lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương của nước ta thảo luận cùng các Ðại sứ, đại biện, đại diện doanh nghiệp tìm ra các giải pháp, bước đi mới, nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Ðông – châu Phi ngày càng phát triển thiết thực và hiệu quả. Xin giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của các đại biểu.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường:

“Cú huých”cho quan hệ Việt Nam – Trung Ðông – châu Phi

Những năm qua, mối quan hệ chính trị truyền thống, tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Ðông – châu Phi luôn được duy trì, song các bên đều nhận thấy, mối quan hệ về kinh tế vẫn chưa theo kịp mối quan hệ chính trị. Lý do là chưa có sự nhìn nhận đúng mức về tầm quan trọng của Việt Nam đối với các quốc gia Trung Ðông – châu Phi và ngược lại. Do đó, thông tin trao đổi giữa hai bên còn hạn chế, làm giới hạn sự hiểu biết lẫn nhau, mặc dù việc trao đổi các đoàn vẫn diễn ra.

Hội nghị “Gặp mặt Ðại sứ các nước Trung Ðông – châu Phi năm 2019” được kỳ vọng là “cú huých” thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên, với việc đặt ra mục đích quan trọng là cung cấp thông tin, tăng cường hiểu biết. Vẫn cần nhiều biện pháp để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa các bên, một trong số đó là tháo gỡ những khó khăn, rào cản, trong đó có vấn đề thanh toán.

Ðại sứ Ai Cập tại Việt Nam H.Nayel:

Hội nghị phản ánh kỳ vọng hợp tác

Hội nghị “Gặp mặt Ðại sứ các nước Trung Ðông – châu Phi năm 2019” phản ánh kỳ vọng của Việt Nam và các nước khu vực Trung Ðông – châu Phi trong hợp tác cùng phát triển. Hội nghị được mong chờ là buổi thảo luận hiệu quả, hữu ích giữa các bên, mang lại triển vọng hợp tác thực chất cho Việt Nam, cũng như khu vực Trung Ðông – châu Phi. Tôi hy vọng, đại diện các quốc gia trong khu vực Trung Ðông – châu Phi sẽ tận dụng cơ hội này để quảng bá tiềm năng hợp tác, nhất là trong lĩnh vực thương mại.

Với thị trường 1,2 tỷ dân, châu Phi có nhiều tiềm năng chưa được khai thác, do còn đối mặt nhiều thách thức, như thiếu kết nối, thiếu nền tảng số và cơ sở hạ tầng… Với vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các quốc gia khu vực Trung Ðông – châu Phi, trong các lĩnh vực đầy tiềm năng, như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, viễn thông và năng lượng.

Ðại sứ Israel tại Việt Nam N.Eshcar:

Việt Nam và Israel có nền kinh tế bổ trợ lẫn nhau

Việt Nam và Israel đang tích cực tiến về phía trước. Tuy là hai nước ở hai khu vực khác nhau, song Việt Nam và Israel có mối quan hệ tốt đẹp. Israel là quốc gia có công nghệ kỹ thuật phát triển, và điều đó có thể giúp ích cho Việt Nam trong một số lĩnh vực. Tôi hài lòng với những thành quả đạt được trong quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước. Hiện Việt Nam và Israel đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do (FTA).

Việt Nam và Israel có nền kinh tế bổ trợ lẫn nhau, thay vì cạnh tranh. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như: công nghệ, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao và chế biến lương thực thực phẩm. Tôi đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam về hội nghị gặp mặt các Ðại sứ Trung Ðông – châu Phi lần này, một sự kiện có ý nghĩa, cung cấp thông tin và nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác cho các bên.

Ðại sứ Tanzania tại Trung Quốc M.Kairuki:

Quan hệ Việt Nam – Tanzania phát triển tốt đẹp

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Tanzania đang phát triển tốt đẹp nhiều năm qua và liên tục được mở rộng trong lĩnh vực kinh tế – thương mại. Doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào Tanzania, nhất là trong lĩnh vực viễn thông, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân Tanzania. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đẩy mạnh việc mua nông sản Tanzania, nhất là hạt điều. Hai bên tích cực thảo luận về những biện pháp, cơ chế hợp tác, trong đó có việc xây dựng các nhà máy chế biến nông sản ở Tanzania để xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu hay Mỹ. Hai nước cũng nghiên cứu mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó có cơ sở hạ tầng.

Hội nghị “Gặp mặt Ðại sứ các nước Trung Ðông – châu Phi năm 2019” mang đến cơ hội cho các nước khu vực Trung Ðông – châu Phi thảo luận với Việt Nam, trao đổi những ý tưởng và giải pháp giúp vượt qua rào cản, thúc đẩy hợp tác giữa các bên.

Doanh nhân Lebanon A.Arayssi:

Cơ hội tìm kiếm đối tác mới

Tôi đã kinh doanh ở Việt Nam hơn 20 năm. Chúng tôi thu mua thủy hải sản tại Việt Nam và chế biến, xuất khẩu sang các thị trường Trung Ðông, châu Phi… Tôi yêu Việt Nam, và tôi nghĩ Việt Nam các bạn có môi trường kinh doanh với điều kiện rất thuận lợi. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam để phát triển và mở rộng đầu tư, hợp tác tại đây.

Chúng tôi tham dự hội nghị lần này để tìm kiếm các đối tác mới, tìm kiếm mặt hàng mới ở Việt Nam, gặp gỡ và thảo luận cùng các đại sứ đến từ Trung Ðông và châu Phi, những thị trường xuất khẩu của chúng tôi. Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng của mình sang các thị trường nêu trên. Tôi hy vọng thời gian tới, Việt Nam và khu vực Trung Ðông – châu Phi sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế – thương mại; kim ngạch thương mại giữa hai bên tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Doanh nhân Nigeria M.Ô-di:

Cần phá vỡ những rào cản kết nối

Một trong những mục đích của hội nghị “Gặp mặt Ðại sứ các nước Trung Ðông – châu Phi năm 2019” là thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Ðông – châu Phi, trong đó có Nigeria. Tôi cho đây là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp các nước, vì nếu không có thông tin về đối tác và sản phẩm, rất khó để xúc tiến hợp tác. Ðiều quan trọng là cần phá vỡ những trở ngại trong việc kết nối người dân, cũng như doanh nghiệp hai nước. Và tôi tin rằng, có rất nhiều vấn đề được đem ra thảo luận và tìm giải pháp trong sự kiện lần này.

Về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nigeria, tôi cho là triển vọng đang rất sáng sủa. Việt Nam xuất khẩu tàu thuyền, thiết bị điện tử, máy vi tính, sản phẩm nhựa, giày dép sang Nigeria… và nhập khẩu nguyên liệu từ Nigeria, trong đó có hạt điều, gỗ… Thời gian tới, tôi tin tưởng hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đi vào chiều sâu và thực chất.

 

THỂ TRẦN (Thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

scroll to top